"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước đi đầu tiên"

せんりのみちもいっぽから

Apr 6, 2016

Bí quyết học ngoại ngữ

Nguyễn Hoàng Trung
Hôm qua lúc 7:30 · Hà Nội, Việt Nam · 



Có nhiều bạn hỏi tôi làm thế nào mà học được nhiều ngôn ngữ trong cùng một thời điểm như vậy. Làm thế nào để nhớ được nhiều thứ như vậy... nhưng tôi chưa bao giờ trả lời chính thức. Không phải vì tôi giấu nghề mà là vì con đường tôi lựa chọn cho việc học ngoại ngữ ở một đất nước như Việt Nam thì vừa khó đi lại có phần liều lĩnh. Có khi phải đánh đổi bằng nhiều thứ, phải đặt cược cả tương lai. Sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó, và không phải con đường cứ tốt cho người này thì cũng hay cho người khác. Tuy nhiên tôi cũng muốn chia sẻ một vài điều nho nhỏ.

Trước tiên tôi muốn nói rằng trong mỗi con người đều có một giới hạn. Giới hạn chịu đau, giới hạn chịu sức nặng, giới hạn nhảy cao, giới hạn chạy bền... Trí nhớ của con người đương nhiên cũng có giới hạn. Con người ta thường không biết chính xác giới hạn của mình ở đâu, thực tế là họ không thử. Họ "cảm giác" rằng mình chỉ làm được ở một mức nào đó (thường là na ná người khác) mà không dám thách thức những giới hạn cao hơn. Sự tự giới hạn mình lại đó vô tình đã giữ con người lại, làm tiêu tan niềm tin và động lực để cố gắng của họ.

Tư duy về trí nhớ của tôi thật ra rất đơn giản: Thử và thách thức các giới hạn. Đầu tiên xin khẳng định rằng tôi cũng chỉ là người bình thường, không phải "cậu bé google" hay thiên tài ghi nhớ nào cả. Xuất phát điểm của tôi đơn giản chỉ là sở thích. Để xây dựng sở thích ấy thành niềm đam mê là cả một quá trình. Ban đầu khi quyết định học nhiều ngôn ngữ một lúc tôi cũng đặt cho mình câu hỏi rằng "liệu mình có nhớ được hết không?". Nhưng tôi chợt nghĩ đến ngày bé, khi chúng ta phải học thuộc lòng bảng cửu chương. Một bảng tính 9 dòng 9 cột toàn những con số khô khốc, ấy thế mà tất cả chúng ta sau những đêm "tụng kinh" đều thuộc nằm lòng. Nghĩ thử xem, chẳng phải là chúng ta đều giỏi, đều ghi nhớ tốt hay sao? Rồi tôi lại nghĩ đến những người Trung Quốc, Nhật Bản. Họ phải học vài nghìn ký tự dường như chả liên quan gì đến nhau, ấy vậy mà tất cả bọn họ đều nhớ được hết. Đâu có phải tất cả người ở các nước đó đều có trí nhớ thiên tài đâu. Chỉ là vì họ đã được lập trình sẵn về mặt tư tưởng rằng họ có một giới hạn cao hơn cho bộ nhớ ngay khi còn nhỏ.

Vậy tôi cũng phải lập trình lại tư tưởng cho giới hạn ghi nhớ của mình. Không thử thì không thể biết được. Tôi đã thử ghi nhớ nhiều ngôn ngữ. Không phải thử mấy cái bảng chữ cái mà là thử học thuộc vài quyển từ điển đồ sộ. Anh Việt, Trung Việt, Nhật Việt, Hàn Việt, Oxford... Đến bây giờ tôi vẫn ngồi ôm từ điển mà học. Hồi còn sinh viên tôi và bạn tôi (người nước ngoài) thường chơi trò đố từ ăn tiền, tức là mở cuốn từ điển ra và đố nhau một từ bất kỳ. (Sau rồi không ai dám chơi trò này với tôi ^^) Đôi khi cô ấy ngồi cạnh tôi, đọc tiểu thuyết bằng ngôn ngữ của đất nước cô ấy và tôi lại phải giải nghĩa cho cô ấy từ nào đó mà cô ấy không hiểu. Đó không phải là tôi giỏi hơn cô ấy về ngôn ngữ đó mà chẳng qua là vì tôi đọc nhiều hơn cô ấy mà thôi. Các bạn lưu ý là khi học tôi không bao giờ mất thời gian vào việc đi tìm công thức ghi nhớ cho từng ký tự. Đừng có tự làm mình lười đi như vậy. Thay vào đó gặp từ nào thì ghi nhớ nó một cách máy móc như một thử thách. Đó là cách rất tốt để rèn luyện trí nhớ. Bất cứ là rèn luyện cái gì, nếu rèn luyện trong gian khó thì bao giờ kết quả cũng cao hơn là rèn luyện trong sự thoải mái. Rồi tôi nhận ra bộ nhớ của con người rất kỳ diệu. Chúng ta có thể nhớ được nhiều hơn chúng ta tưởng, miễn là dám thử thách bộ nhớ để vượt qua chính mình, đi tìm giới hạn thật sự.

Để kiểm chứng và có thêm động lực học, tôi đi tìm "đối thủ". Nhiều bạn cho rằng tôi kiêu ngạo khi thách thức nhiều người khác, thật ra không phải. Tìm được người cùng chí hướng để thi đấu và nhận thất bại là một cách rất tốt để bản thân nỗ lực hơn, thử thách giới hạn cao hơn (mà người đó đang sở hữu). Người về nhất muốn tiếp tục đứng đầu thì phải duy trì cố gắng. Người về nhì muốn vượt qua người về nhất thì phải cố gắng gấp đôi. Nếu không dám thử các bạn sẽ không thể biết bản thân mình có thể làm được những gì. Chúng ta có những thiên tài một phần là vì vì họ sinh ra đã là thiên tài nhưng cũng không thể phủ nhận việc họ phải trải quả một quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ, phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ để vượt qua các giới hạn. Thế giới này cao thủ như mây. Bản thân tôi không phải là thiên tài, thậm chí hai chữ nhân tài còn chưa xứng đáng. Tôi chỉ là một người rất bình thường nhưng liều lĩnh bất chấp mọi khó khăn và định kiến, tận dụng từng phút giây để kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.

Sưu tầm

0 Post a Comment:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!
Chúc bạn có một ngày thật vui vẻ.

Kết nối bạn bè

Wikipedia

Search results

Video Nổi bật

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm

 
Please Enable Javascript!Enable JavaScript